Quy hoạch Thành phố Hoa Lư – Ninh Bình mới nhất

Thông tin Quy hoạch Thành phố Hoa Lư – Ninh Bình: Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình xây dựng Đề án “Thành lập thành phố Hoa Lư, đồng thời sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và thành lập các phường trực thuộc”. Đây là chủ trương lớn nhằm xây dựng thành phố trở thành vùng chức năng tổng hợp, là hạt nhân giữ vai trò là động lực phát triển của tỉnh

Quy hoạch thành phố Hoa Lư trên cơ sở sáp nhập Thành phố Ninh Bình với huyện Hoa Lư

Mục lục

Quy hoạch Thành phố Hoa Lư: Hợp nhất huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình

Việc hợp nhất huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình để thành lập thành phố Hoa Lư nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước trong thực hiện sắp xếp ĐVHC:

Thực hiện các chủ trương của Trung ương về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, bao gồm:

– Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

– Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị đề ra mục tiêu: Sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã nhằm tổ chức hợp lý ĐVHC các cấp phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước; bảo đảm hoàn thiện thể chế về ĐVHC, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Phấn đấu đến năm 2030 các ĐVHC cấp huyện, cấp xã được sắp xếp cơ bản phù hợp chiến lược phát triển kinh tế – xã hội; đáp ứng yêu cầu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong đó, giai đoạn từ năm 2022 – 2030, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện giai đoạn 2019 – 2021, xác định lộ trình thực hiện để đến năm 2030 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã phù hợp với Quy hoạch tổng thể ĐVHC.

– Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 đề ra nhiệm vụ, giải pháp: Việc sắp xếp phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị; khuyến khích các địa phương chủ động đề xuất sắp xếp ĐVHC tinh gọn, phù hợp với thực tiễn địa phương (kể cả các ĐVHC đã bảo đảm tiêu chuẩn).

– Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 quy định cụ thể các ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023-2030.

– Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30/7/2023 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 xác định rõ lộ trình, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.

Như vậy, các Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kế hoạch của Chính phủ đã xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, quy định, kế hoạch cụ thể của việc sắp xếp ĐVHC, khuyến khích địa phương thực hiện nhập ĐVHC để tạo đột phá, động lực cho việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương, trong đó có tỉnh Ninh Bình.

Căn cứ quy định tại điểm a khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15; đối chiếu với tiêu chuẩn của ĐVHC quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC; các số liệu thống kê đến ngày 31/12/2022, giai đoạn 2023-2025, tỉnh Ninh Bình có 01 ĐVHC cấp huyện thuộc diện sắp xếp (huyện Hoa Lư).

Qua rà soát, cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế – xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình xây dựng Đề án thành lập thành phố Hoa Lư, đồng thời sắp xếp ĐVHC cấp xã và thành lập các phường trực thuộc theo quy định.

Việc quy hoạch Thành phố Hoa Lư: hợp nhất huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình xuất phát từ yêu cầu thực tiễn phát triển của thành phố Ninh Bình:

Thành phố Ninh Bình nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Ninh Bình, cách thủ đô Hà Nội 90 km theo Quốc lộ 1A về phía Bắc, cách thành phố Nam Định 28 km, tỉnh Quảng Ninh 110 km theo Quốc lộ 10, Quốc lộ 38B về phía Đông Bắc, cách thành phố Thanh Hóa 50 km về phía Nam. Phía Đông giáp huyện Yên Khánh và tỉnh Nam Định; phía Tây giáp huyện Hoa Lư; phía Nam giáp huyện Hoa Lư và huyện Yên Khánh; phía Bắc giáp huyện Hoa Lư và tỉnh Nam Định.

Là thành phố có bề dày lịch sử, giàu truyền thống yêu nước, cách mạng, với nhiều sự kiện lịch sử và thành tích đáng tự hào trong quá trình đấu tranh giải phóng, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Sau 70 năm được hoàn toàn giải phóng (kể từ 30/6/1954), thành phố Ninh Bình luôn khẳng định vai trò đầu tàu trong hệ thống đô thị của tỉnh Ninh Bình, được xác định với các chức năng là trung tâm chính trị – hành chính, kinh tế, văn hóa, lịch sử, du lịch của tỉnh; trung tâm văn hóa, lịch sử, du lịch cấp Quốc gia, có ý nghĩa Quốc tế; đồng thời là đô thị đầu mối giao thông, cửa ngõ phía Nam vùng Duyên hải Bắc Bộ; có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng.

Nằm ở vị trí cửa ngõ phía Nam vùng Duyên hải Bắc Bộ, đồng thời là cửa ngõ phía Đông Nam của vùng thủ đô Hà Nội, thành phố Ninh Bình là đầu mối giao thông quan trọng trong hệ thống các tuyến giao thông huyết mạch về đường bộ, đường sắt và đường thủy của Quốc gia. Về giao thông đường bộ, thành phố là một đỉnh của tam giác giao thông Hà Nội – Hải Phòng – Ninh Bình, với 03 tuyến đường quốc lộ quan trọng gồm tuyến Quốc lộ 1A nối Ninh Bình với Thủ đô Hà Nội, tuyến Quốc lộ 38B nối Ninh Bình – Hải Dương – Nam Định, tuyến Quốc lộ 10 nối Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng.

Đặc biệt, thành phố Ninh Bình còn là đầu mối giao thông của 03 tuyến dường cao tốc gồm Cầu Giẽ – Ninh Bình, Ninh Bình – Thanh Hóa – Vinh và Ninh Bình – Hải Phòng – Hạ Long. Về giao thông đường sắt, trên địa bàn thành phố có ga Ninh Bình và tuyến đường sắt Quốc gia Bắc – Nam chạy qua với tổng chiều dài 7 km, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và vận tải hàng hóa từ thành phố đi khắp các vùng, miền của đất nước.

Trong tương lai, khi dự án tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam được triển khai đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế với điểm dừng tại trung tâm thành phố sẽ góp phần tăng cường năng lực vận tải giao thông bằng đường sắt. Về giao thông đường thủy, thành phố có cảng Ninh Bình, cảng Ninh Phúc nối thông ra biển qua cửa sông Đáy.

Hệ thống giao thông phát triển đồng bộ và hiện đại, tạo điều kiện rất thuận lợi cho tỉnh Ninh Bình nói chung và thành phố Ninh Bình nói riêng trong việc đi lại, giao thương hàng hóa và giao lưu phát triển kinh tế – xã hội với các tỉnh trong Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng duyên hải Bắc Trung Bộ, cả nước và quốc tế.

Thành phố Ninh Bình còn được xác định là một trong số những trung tâm lớn của quốc gia về du lịch, với các loại hình du lịch chủ yếu là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tham quan danh thắng với các di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh,… Các khu du lịch trên địa bàn thành phố bao gồm: Khu du lịch sinh thái Tràng An, khu Di tích văn hóa lịch sử Núi Non Nước (hay còn có tên gọi là Dục Thúy Sơn), núi Ngọc Mỹ Nhân, Núi và hồ Kỳ Lân, sông Vân Sàng,…

Đặc biệt, Quần thể Danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên Thế giới năm 2014, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển nhanh và mạnh ngành du lịch của thành phố Ninh Bình nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung trong những năm qua, đưa thành phố Ninh Bình trở thành tâm điểm đến của các Tour du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Năm 2023, tình hình chính trị, kinh tế thế giới, khu vực và tỉnh có nhiều biến động phức tạp, khó lường. Trong bối cảnh đó, ngay từ đầu năm, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã tập trung chỉ đạo, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, văn bản của Chính phủ, Bộ ngành Trung ương và của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 theo từng tháng, từng quý nên hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh nói chung và thành phố Ninh Bình nói riêng có xu hướng phục hồi và tăng trưởng nhanh, đời sống người dân, thu nhập người lao động không ngừng được cải thiện và nâng cao.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) (theo giá so sánh năm 2010) năm 2023 đạt 62.491 tỷ đồng, tăng 9,23% so với năm 2022, bình quân 03 năm 2021-2023 tăng 8,86%. Trong đó, khu vực công nghiệp – xây dựng đạt 33.605 tỷ đồng, tăng 1,98%; thương mại – dịch vụ đạt 28.732 tỷ đồng, tăng 19,21%, nông – lâm nghiệp – thủy sản đạt 154 tỷ đồng, giảm 2,53%.

Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 đạt 29.156 tỷ đồng, tăng 28,9% so với năm 2022; tổng thu ngân sách năm 2023 đạt 2.617,24 tỷ đồng, tổng chi ngân sách đạt 2.617,24 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng giảm tỷ trọng ngành nông – lâm nghiệp – thủy sản, tăng tỷ trọng ngành thương mại – dịch vụ và công nghiệp – xây dựng; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp chiếm 91,20%; thu nhập bình quân đầu người đạt 70,51 triệu/người/năm.

Lĩnh vực văn hóa xã hội đều có những chuyển biến tích cực theo định hướng, hài hòa với phát triển kinh tế. Công tác giảm nghèo và chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách, xã hội được quan tâm thường xuyên, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của thành phố giảm còn 0,64%, bình quân 03 năm 2021-2023 giảm còn 0,74%; công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh và các chương trình mục tiêu y tế quốc gia được duy trì thường xuyên; công tác xã hội hóa trên lĩnh vục giáo dục, y tế được thực hiện có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu học tập và khám chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn.

Cơ sở vật chất, trường học, trang thiết bị y tế và các thiết chế văn hóa thể thao tiếp tục được đầu tư xây dựng phục vụ nhu cầu học tập, vui chơi giải trí ngày càng tăng của nhân dân. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Không gian đô thị Ninh Bình hiện hữu là đô thị lâu đời, đồng thời là đô thị đầu mối giao thông, cửa ngõ phía Nam vùng Duyên hải Bắc Bộ; có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, hiện nay thành phố Ninh Bình đang phải đối mặt với với những khó khăn, thách thức lớn cần tập trung giải quyết như: Đô thị chưa phát huy được các lợi thế về vị trí địa lý, giao thông quốc gia và vùng để trở thành đô thị hạt nhân phát triển đô thị toàn tỉnh Ninh Bình và thúc đẩy sự phát triển của các đô thị lân cận; việc định hướng phát triển mạng lưới giao thông liên khu vực chưa kết nối hiệu quả với các tuyến giao thông quốc gia, với các khu công nghiệp, khu du lịch, tham quan trên địa bàn tỉnh; việc kiểm soát, quản lý và định hướng khai thác bên bờ sông Đáy, việc quản lý, khai thác có hiệu quả, bảo tồn và phát huy tối đa các danh thắng, di sản văn hóa, di tích lịch sử,…trên địa bàn, đặc biệt là Quần thể Danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên Thế giới chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu phát triển của địa phương.

Diện tích tự nhiên thành phố Ninh Bình là 46,75 km2, chưa đạt tiêu chuẩn của thành phố quy định tại Điều 5 Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 về tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là 150 km2, nhỏ hơn nhiều so với các đô thị là trung tâm tỉnh lỵ của các tỉnh đã và đang được mở rộng không gian phát triển đô thị (thành phố Thái Nguyên có 222,93 km2; thành phố Nam Định có 120,90 km2; thành phố Bắc Giang có 258,30 km2; thành phố Hải Dương có 111,64 km2; thành phố Thanh Hóa có 228,21 km2; thành phố Tuyên Quang có 184,38 km2;…). Trong đó, cơ cấu hiện trạng sử dụng đất của thành phố Ninh Bình gồm đất nông nghiệp là 14,12 km2, chiếm 30,20%; đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng là 32,63 km2, chiếm 69,80% diện tích tự nhiên của thành phố.

Quy mô đô thị Ninh Bình chưa đáp ứng với tốc độ phát triển đô thị, mật độ dân số toàn đô thị cao, hạ tầng xã hội khu vực trung tâm đang quá tải, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị. Một số tiêu chuẩn của đô thị đạt vượt trội so với quy định như: đất dân dụng, đất xây dựng các công trình dịch vụ công cộng đô thị, các cơ sở y tế, giáo dục đào tạo, văn hóa, thể dục thể thao, thương mại dịch vụ cấp đô thị,… trong khi quỹ đất còn lại để tiếp tục bố trí các khu, cụm công nghiệp, cơ sở thương mại – dịch vụ, sản xuất – kinh doanh phi nông nghiệp, đất ở đô thị, an sinh xã hội, trồng cây xanh, khu vui chơi giải trí, khu du lịch sinh thái, giao thông đô thị,… là quá ít, dân số của thành phố ngày càng gia tăng, lượng khách du lịch đến với địa bàn ngày càng lớn, tập trung chủ yếu ở các khu, cụm công nghiệp, các khu du lịch, danh thắng và các cơ sở kinh doanh thương mại – dịch vụ,… cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh làm phá vỡ quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, có nguy cơ gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Do đó, với vị trí địa lý của thành phố Ninh Bình, việc mở rộng quy mô đô thị về phía Tây là tất yếu và rất cần thiết nhằm tạo không gian, dư địa và động lực đầu tư phát triển một cách đồng bộ, hoàn chỉnh, đáp ứng được yêu cầu phát triển đô thị theo hướng “Xanh và Bền Vững”.

Việc hợp nhất huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình để quy hoạch thành phố Hoa Lư xuất phát từ yêu cầu thực tiễn phát triển của huyện Hoa Lư:

Huyện Hoa Lư nằm ở trung tâm của tỉnh Ninh Bình, nằm giữa thành phố Ninh Bình và thành phố Tam Điệp, cách trung tâm thành phố Ninh Bình 8 km về phía Tây theo Quốc lộ 38B, cách Thủ đô Hà Nội 85 km về phía Nam theo Quốc lộ 1A. Phía Đông giáp thành phố Ninh Bình và huyện Yên Khánh; phía Tây giáp huyện Gia Viễn và huyện Nho Quan; phía Nam giáp thành phố Tam Điệp và huyện Yên Mô; phía Bắc giáp huyện Gia Viễn và tỉnh Nam Định. Là huyện có bề dày truyền thống lịch sử lâu đời, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của tỉnh Ninh Bình. Thế kỷ thứ X, Hoa Lư được chọn làm quốc đô của Nhà nước Đại Cồ Việt – Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc; là vùng đất gắn với 06 vị vua thuộc ba triều đại Đinh – Tiền Lê – Lý với nhiều dấu ấn lịch sử. Đến nay, nơi đây còn lưu giữ được đậm đặc trầm tích lịch sử và dấu ấn văn hóa đặc sắc của vùng cố đô.

Cố đô Hoa Lư

Với vị trí nằm giữa 02 đô thị lớn của tỉnh là thành phố Ninh Bình và thành phố Tam Điệp, thuộc phạm vi quy hoạch mở rộng của thành phố Ninh Bình, huyện Hoa Lư chịu tác động mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa trên địa bàn. Qua nhiều năm phấn đấu, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của Tỉnh, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hoa Lư trong việc phát huy mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế – xã hội, tập trung xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, việc cải tạo chỉnh trang đô thị được đẩy mạnh, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; các cụm công nghiệp được hình thành và phát triển ổn định; ngành du lịch tiếp tục phát mạnh mẽ và đóng vai trò mũi nhọn trong chiến lược định hướng phát triển của huyện; cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tăng tỷ lệ lao động trong các ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại.

Tuy nhiên, mô hình quản lý của chính quyền nông thôn hiện nay làm hạn chế khả năng đột phá, chưa khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên; việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của các danh thắng, di sản văn hóa lịch sử của vùng Cố đô còn nhiều hạn chế, nếu được gắn kết với thành phố Ninh Bình sẽ là điều kiện thuận lợi nhằm “đánh thức” tiềm năng, chuyển hóa thành thế mạnh, nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, đó là:

Về tiềm năng, điều kiện đất đai:

Huyện Hoa Lư có tổng diện tích tự nhiên là 103,49 km2, trong đó đất nông nghiệp là 63,36 km2, chiếm 61,22%; đất phi nông nghiệp là 35,01 km2, chiếm 33,83% và đất chưa sử dụng là 5,12 km2, chiếm 4,95%. Cùng với thành phố Ninh Bình, huyện Hoa Lư thuộc vùng đồng bằng trũng trung tâm của tỉnh Ninh Bình, với diện tích đất nông nghiệp còn lại là rất lớn và tương đối bằng phẳng là điều kiện rất thuận lợi cho phát triển đô thị, bố trí các khu, cụm công nghiệp và khu vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chuyên canh tạo thành hình thái độc đáo, là không gian xanh, “lá phổi” của thành phố Ninh Bình.

Về giao thông:

Hoa Lư có hệ thống giao thông phát triển khá đồng bộ và hiện đại cả về giao thông đường bộ, đường thủy và đường sắt. Địa bàn huyện có tuyến đường cao tốc Cao Bồ – Mai Sơn và Mai Sơn – Quốc lộ 45 đi qua, cùng với đó là các tuyến giao thông huyết mạch như: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 38B, Đại lộ Tràng An, ĐT.491, ĐT.491B, ĐT.491C…; về đường thủy địa bàn huyện giáp hai sông lớn là sông Đáy và sông Hoàng Long ở phía Bắc, sông Sào Khê và sông Chanh chảy dọc huyện nối sông Hoàng Long với sông Vân; về đường sắt địa bàn huyện có tuyến đường sắt Bắc – Nam đi qua, với ga Cầu Yên tiếp nối sau ga Ninh Bình và ga Ghềnh, tạo điều kiện rất thuận lợi trong việc đi lại, lưu thông hàng hóa và giao lưu với các địa phương khác trong và ngoài tỉnh.

Về phát triển công nghiệp:

Theo Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Ninh Bình đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 565/QĐ-UBND ngày 23/7/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, cùng với thành phố Ninh Bình, huyện Hoa Lư thuộc vùng đồng bằng trũng trung tâm của tỉnh, có điều kiện thuận lợi phát triển các khu, cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn.

Trên địa bàn huyện hiện có 03 Cụm công nghiệp, bao gồm Cụm công nghiệp Ninh Khánh với diện tích 20 ha, chủ yếu phát triển công nghiệp nhẹ; Cụm công nghiệp Ninh Tiến với diện tích 65 ha, các lĩnh vực sản xuất chính gồm: chế biến, sản xuất đá mỹ nghệ, vật liệu đá cao cấp, công nghiệp, cơ khí vận tải thủy và Cụm công nghiệp Thiên Tôn với diện tích 50 ha, các lĩnh vực sản xuất chính gồm: công nghiệp dệt may, gia công chế biến hàng thủ công mỹ nghệ và các cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm.

Về phát triển du lịch:

Trong những năm qua, ngành du lịch của huyện có bước phát mạnh mẽ và đóng vai trò mũi nhọn trong chiến lược định hướng phát triển dựa trên nền tảng giá trị văn hóa – lịch sử của các di tích quốc gia đặc biệt và giá trị nổi bật toàn cầu của của các danh thắng trên địa bàn.

Huyện Hoa Lư có 02 di tích quốc gia đặc biệt là kiến trúc nghệ thuật Cố đô Hoa Lư và Danh lam thắng cảnh Tràng An, Tam Cốc – Bích Động quy hoạch chung thành Quần thể Danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên Thế giới năm 2014 với tổng diện tích 12.252 ha, cùng hàng loạt các lễ hội, di tích, điểm tham quan thu hút hàng triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước.

Tam Cốc – Bích Động: Địa danh du lịch nổi tiếng tại Ninh Thắng – Thành phố Hoa Lư

Như vậy, huyện Hoa Lư có vị trí, dư địa và tiềm năng rất lớn trong phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, đô thị, dịch vụ – thương mại, du lịch sinh thái, lịch sử, văn hóa, lễ hội; sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, có tiềm năng phát triển, hình thành đô thị vệ tinh cửa ngõ phía Tây của thành phố Ninh Bình; đầu mối giao thông đường bộ, đường thủy quan trọng có vị trí trung gian kết nối các trung tâm phát triển kinh tế của tỉnh Ninh Bình, các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng và vùng duyên hải Bắc Bộ; có ý nghĩa quan trọng về văn hóa, lịch sử, quốc phòng, an ninh của tỉnh Ninh Bình nói riêng và vùng đồng bằng sông Hồng, cả nước nói chung.

Theo đó, khi hợp nhất huyện Hoa Lư vào thành phố Ninh Bình sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu lại tổ chức, phân bố không gian phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ, thương mại, nông nghiệp, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, các khu dân cư nông thôn; hình thành các trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp gắn kết thuận lợi với hệ thống hạ tầng khung nhằm phát triển thành phố hình thành sau sắp xếp trở thành thành phố trực thuộc tỉnh với định hướng là “Đô thị Di sản thiên niên kỷ”, gắn với tập trung phát triển du lịch – dịch vụ dựa trên nền tảng giá trị văn hóa – lịch sử của Cố đô Hoa Lư và giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An để thành phố trở thành trung tâm văn hóa – lịch sử, du lịch cấp quốc gia và có ý nghĩa quốc tế.

Việc hợp nhất huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình để quy hoạch thành phố Hoa Lư xuất phát từ truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương:

Tỉnh Ninh Bình nói chung và thành phố Ninh Bình, huyện Hoa Lư nói riêng là vùng đất có truyền thống lịch sử lâu đời. Trong suốt mấy ngàn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc, vùng đất Ninh Bình luôn là địa bàn chiến lược, ghi dấu những cuộc trường chinh vào Nam, ra Bắc để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của người Việt.

Thế kỷ thứ X (năm 968), vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân lên ngôi Hoàng đế, Hoa Lư được chọn làm quốc đô của Nhà nước Đại Cồ Việt – Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc; là vùng đất gắn với 06 vị vua thuộc ba triều đại Đinh – Tiền Lê – Lý với nhiều dấu ấn lịch sử.

Đến nay, nơi đây còn lưu giữ được đậm đặc trầm tích lịch sử và dấu ấn văn hóa đặc sắc, cùng vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc tự nhiên đã tạo nên giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên Thế giới năm 2014. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), tỉnh Ninh Bình được thành lập, là một trong 13 tỉnh ở Bắc Kỳ với 06 huyện: Yên Khánh, Nho Quan, Kim Sơn, Gia Khánh, Gia Viễn và Yên Mô. Ngày 27/12/1975, Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc hợp nhất một số tỉnh. Theo đó, hợp nhất tỉnh Nam Hà và tỉnh Ninh Bình thành một tỉnh mới, lấy tên là tỉnh Hà Nam Ninh; thị xã Ninh Bình được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị trấn Ninh Bình.

Ngày 27/4/1977, Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 125-CP về việc hợp nhất và điều chỉnh đại giới một số huyện, thị xã thuộc tỉnh Hà Nam Ninh. Theo đó, hợp nhất huyện Gia Khánh và thị xã Ninh Bình thành một huyện lấy tên là huyện Hoa Lư. Thị xã Ninh Bình chuyển thành thị trấn huyện lỵ của huyện Hoa Lư.

Ngày 09/4/1981, Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 151-CP về một số ĐVHC cấp huyện và thị xã thuộc tỉnh Hà Nam Ninh. Theo đó, tách thị trấn Ninh Bình của huyện Hoa Lư để thành lập thị xã Ninh Bình.

Ngày 17/12/1982, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 200-HĐBT; theo đó, sáp nhập xã Ninh Thành của huyện Hoa Lư (trừ 20 ha đất của thôn Phúc Am) vào thị xã Ninh Bình quản lý.

Ngày 26/12/1991, Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc phân vạch lại địa giới hành chính một số tỉnh; theo đó, chia tỉnh Hà Nam Ninh thành 02 tỉnh, lấy tên là tỉnh Nam Hà và tỉnh Ninh Bình. Tỉnh Ninh Bình có 07 ĐVHC gồm 02 thị xã (Ninh Bình, Tam Điệp) và 05 huyện (Hoa Lư, Tam Điệp, Gia Viễn, Hoàng Long, Kim Sơn).

Ngày 02/11/1996, Chính phủ ban hành Nghị định số 69-CP; ngày 09/01/2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2004/NĐ-CP; theo đó, thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính giữa thị xã Ninh Bình và huyện Hoa Lư để mở rộng thị xã Ninh Bình. Ngày 07/02/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 19/2007/NĐ-CP; theo đó, thành lập thành phố Ninh Bình trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên với dân số và các ĐVHC cấp xã trực thuộc của thị xã Ninh Bình. Từ đó, địa giới ĐVHC thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư ổn định cho đến ngày nay.

Như vậy, trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư đã nhiều lần chia tách, sáp nhập, điều chỉnh địa giới ĐVHC với nhau; là khu vực gắn liền với nền tảng giá trị văn hóa – lịch sử của Cố đô Hoa Lư và giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, nên huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình có chung các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán của vùng Cố đô.

Việc hợp nhất huyện Hoa Lư vào thành phố Ninh Bình để quy hoạch thành phố Hoa Lư nhằm tiếp nối truyền thống lịch sử lâu đời của vùng đất này.

Sự phù hợp với các định hướng quy hoạch và phát triển đô thị:

Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 218/QĐ-TTg ngày 04/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ, xác định mục tiêu: Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, động lực để đưa tỉnh Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững.

Đến năm 2030 là tỉnh khá, cực tăng trưởng các tỉnh phía Nam đồng bằng sông Hồng, cơ bản đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trong những trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực Đông Nam Á; một trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại hàng đầu đất nước; cơ bản hình thành đồng bộ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Địa bàn vững chắc về quốc phòng, an ninh. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, kinh tế phát triển, xã hội văn minh, nhân dân hạnh phúc.

Trong đó, định hướng rõ đến năm 2025, thực hiện hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư, đồng thời sắp xếp ĐVHC cấp xã trực thuộc, gắn với định hình tính chất ĐVHC mới sau hợp nhất là “Đô thị Di sản thiên niên kỷ”. Cùng với đó, hoàn thiện các tiêu chí công nhận ĐVHC mới sau hợp nhất (thành phố Hoa Lư) là đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 28/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ, xác định tính chất đô thị Ninh Bình là trung tâm chính trị – hành chính, kinh tế, văn hóa, lịch sử, du lịch của tỉnh Ninh Bình; là trung tâm văn hóa – lịch sử, du lịch cấp quốc gia, có ý nghĩa quốc tế; là đô thị đầu mối giao thông, cửa ngõ phía Nam vùng duyên hải Bắc Bộ; có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng và an ninh.

Trong đó, phạm vi lập quy hoạch có diện tích 21.052 ha, bao gồm: Toàn bộ địa giới hành chính thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư; xã Gia Sinh thuộc huyện Gia Viễn; xã Mai Sơn thuộc huyện Yên Mô; xã Khánh Hòa và xã Khánh Phú thuộc huyện Yên Khánh; xã Sơn Lai và xã Sơn Hà thuộc huyện Nho Quan; một phần địa giới hành chính xã Yên Sơn và phường Tân Bình thuộc thị xã Tam Điệp (nay là thành phố Tam Điệp).

Nhằm cụ thể hóa các định hướng chiến lược của Quốc gia, vùng và các dự án có liên quan; khai thác tốt các thế mạnh sẵn có, hướng tới phát triển đô thị Ninh Bình thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái văn hóa cấp vùng đồng bằng sông Hồng gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể danh thắng Tràng An; đáp ứng yêu cầu mới thực tế, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế – xã hội và định hướng phát triển của đô thị trong tương lai, nâng cao chất lượng môi trường sống, cơ sở hạ tầng và cảnh quan đô thị; bảo đảm tính kế thừa, không ảnh hưởng lớn đến các dự án đầu tư đang triển khai. Tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội địa phương và các yêu cầu phát triển ở giai đoạn tiếp theo; là cơ sở pháp lý cho việc quản lý phát triển, đầu tư xây dựng các khu vực đô thị và hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung của đô thị theo quy hoạch.

Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý cho công tác đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị theo tiêu chí đô thị loại I, hướng đến đưa đô thị thành lập mới sau sắp xếp (đô thị hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư) trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh Ninh Bình trong giai đoạn đến năm 2030 theo đúng định hướng Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã tiến hành lập đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040 và được Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình thông qua tại Nghị quyết số 31/NQ-HĐND ngày 07/6/2024, trong đó phạm vi, ranh giới lập điều chỉnh Quy hoạch chung gồm phạm vi đồ án Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 28/7/2014 và bổ sung mở rộng khu vực lập quy hoạch về phía Tây đến khu vực sông Bến Đang và Quốc lộ 12B bao gồm toàn bộ địa giới thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư; xã Gia Sinh, xã Gia Tân thuộc huyện Gia Viễn; xã Mai Sơn thuộc huyện Yên Mô; xã Sơn Lai, xã Sơn Hà và xã Quỳnh Lưu thuộc huyện Nho Quan; xã Khánh Hòa và xã Khánh Phú thuộc huyện Yên Khánh; một phần ranh giới hành chính xã Yên Sơn và phường Tân Bình thuộc thành phố Tam Điệp.

Khu vực nội thị của đô thị Ninh Bình được mở rộng bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của thành phố Ninh Bình hiện hữu và toàn bộ diện tích tự nhiên của các xã, thị trấn thuộc huyện Hoa Lư, gồm: Thiên Tôn, Ninh Giang, Ninh Hải, Ninh Mỹ, Ninh Thắng và Ninh Xuân, được sắp xếp trên cơ sở nguyên trạng các ĐVHC cấp xã để thành lập thành phố Hoa Lư với 15 phường nội thị và 05 xã ngoại thị, đồng thời tiếp tục tập trung huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị trên địa bàn thành phố Hoa Lư nói chung và các phường dự kiến hình thành sau sắp xếp nói riêng.

Như vậy, từ những lý do cụ thể nêu trên, việc hợp nhất huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình để thành lập thành phố Hoa Lư nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 là nhu cầu tất yếu và thật sự cần thiết để mở rộng phạm vi quản lý của chính quyền đô thị thay cho chính quyền nông thôn hiện hữu, đáp ứng yêu cầu quản lý của chính quyền cơ sở đối với khu vực đang trong quá trình đô thị hóa cao; tạo dư địa, điều kiện để mở rộng không gian phát triển đô thị, nâng cao tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh; góp phần tăng quy mô ĐVHC, tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế – xã hội, hiệu quả, hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị.

Việc hợp nhất huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình để thành lập thành phố Hoa Lư nhằm tiếp nối truyền thống lịch sử lâu đời của vùng đất này, đảm bảo các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán của vùng Cố đô, gắn với định hướng phát triển là “Đô thị Di sản thiên niên kỷ”, tạo điều kiện tập trung phát triển du lịch – dịch vụ dựa trên nền tảng giá trị văn hóa – lịch sử của Cố đô Hoa Lư và giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An để thành phố trở thành trung tâm văn hóa – lịch sử, du lịch cấp quốc gia và có ý nghĩa quốc tế.

Việc hợp nhất huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình để thành lập thành phố Hoa Lư là phù hợp với Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; đảm bảo tiêu chuẩn của ĐVHC (thành phố thuộc tỉnh) và phù hợp với các chương trình, định hướng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời, việc thành lập thành phố Hoa Lư có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị, góp phần tăng cường và củng cố hơn nữa vị thế chiến lược trong thế trận phòng thủ, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn; đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của đô thị vì mục tiêu ngày càng nâng cao chất lượng, điều kiện sống cho người dân trên địa bàn; đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nói chung và thành phố Hoa Lư nói riêng.

Phương án hợp nhất huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình để thành lập thành phố Hoa Lư

Thành lập thành phố Hoa Lư trên cơ sở quy hoạch hợp nhất nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số và số ĐVHC cấp xã trực thuộc của huyện Hoa Lư (có diện tích tự nhiên là 103,49 km2, đạt 32,85% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 83.613 người, đạt 69,68% so với tiêu chuẩn) và thành phố Ninh Bình (có diện tích tự nhiên là 46,75 km2, đạt 31,17% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 153.992 người, đạt 102,66% so với tiêu chuẩn).

Phương án quy hoạch ĐVHC cấp xã, thành lập các phường thuộc thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình

Thành lập phường Vân Giang

trên cơ sở nhập nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Phúc Thành (có diện tích tự nhiên là 1,04 km2, đạt 18,91% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 14.150 người, đạt 202,14% so với tiêu chuẩn); phường Thanh Bình (có diện tích tự nhiên là 1,57 km2, đạt 28,55% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 12.865 người, đạt 183,79% so với tiêu chuẩn) và phường Vân Giang (có diện tích tự nhiên là 0,35 km2, đạt 6,36% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 6.934 người, đạt 99,06% so với tiêu chuẩn).

Thành lập phường Ninh Nhất

trên cơ sở nhập nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Ninh Xuân (có diện tích tự nhiên là 9,75 km2, đạt 46,43% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 4.826 người, đạt 60,32% so với tiêu chuẩn) và xã Ninh Nhất (có diện tích tự nhiên là 7,26 km2, đạt 34,57% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 7.256 người, đạt 90,70% so với tiêu chuẩn).

Thành lập phường Ninh Hải

Trên cơ sở nhập nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Ninh Thắng (có diện tích tự nhiên là 4,23 km2, đạt 20,14% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 4.950 người, đạt 61,87% so với tiêu chuẩn) và xã Ninh Hải (có diện tích tự nhiên là 21,90 km2, đạt 104,29% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 7.031 người, đạt 87,89% so với tiêu chuẩn).

Thành lập phường Ninh Mỹ

Trên cơ sở nhập nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Ninh Mỹ (có diện tích tự nhiên là 4,06 km2, đạt 19,33% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 7.327 người, đạt 91,59% so với tiêu chuẩn) và thị trấn Thiên Tôn (có diện tích tự nhiên là 2,19 km2, đạt 15,64% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 4.817 người, đạt 60,21% so với tiêu chuẩn).

Thành lập phường Ninh Phúc

Trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ 6,30 km2 diện tích tự nhiên (đạt 30,00% so với tiêu chuẩn) và quy mô dân số 11.153 người (đạt 159,33% so với tiêu chuẩn) của xã Ninh Phúc.

Thành lập phường Ninh Tiến

Trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ 5,18 km2 diện tích tự nhiên (đạt 24,67% so với tiêu chuẩn) và quy mô dân số 7.463 người (đạt 106,61% so với tiêu chuẩn) của xã Ninh Tiến.

Thành lập phường Ninh Giang

Trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ 6,47 km2 diện tích tự nhiên (đạt 30,81% so với tiêu chuẩn) và quy mô dân số 8.045 người (đạt 100,56% so với tiêu chuẩn) của xã Ninh Giang.

Kết quả sau khi quy hoạch Thành Phố Hoa Lư trên cơ sở Hợp nhất huyện Hoa Lư và Thành phố Ninh Bình

Tỉnh Ninh Bình

Sau khi sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 nói chung và hợp nhất huyện Hoa Lư vào thành phố Ninh Bình để thành lập thành phố Hoa Lư; sắp xếp ĐVHC cấp xã, thành lập các phường thuộc thành phố Hoa Lư nói riêng, tỉnh Ninh Bình không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và giảm 01 ĐVHC cấp huyện, giảm 18 ĐVHC cấp xã. Trong đó:

Cấp huyện: Giảm 01 huyện.

Cấp xã: Giảm 21 xã, 01 thị trấn và tăng 04 phường.

Tỉnh Ninh Bình có 1.411,86 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.125.839 người. Có 07 ĐVHC cấp huyện trực thuộc, gồm 02 thành phố (Hoa Lư, Tam Điệp) và 05 huyện (Gia Viễn, Nho Quan, Yên Mô, Yên Khánh, Kim Sơn). Có 125 ĐVHC cấp xã, gồm 98 xã, 21 phường và 06 thị trấn. Tỷ lệ đô thị hóa là 26,61%.

Địa giới hành chính: Đông giáp tỉnh Nam Định; Tây giáp tỉnh Hòa Bình; Nam giáp tỉnh Thanh Hóa và biển Đông; Bắc giáp tỉnh Hà Nam.

Thành phố Hoa Lư

Quy hoạch Thành phố Hoa Lư mới sẽ có 150,24 km2 diện tích tự nhiên (đạt 100,16% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số 237.605 người (đạt 158,04% so với tiêu chuẩn); có 20 ĐVHC cấp xã trực thuộc, gồm 15 phường (Ninh Khánh, Đông Thành, Tân Thành, Vân Giang, Nam Thành, Nam Bình, Bích Đào, Ninh Phong, Ninh Sơn, Ninh Phúc, Ninh Tiến, Ninh Giang, Ninh Nhất, Ninh Hải, Ninh Mỹ) và 05 xã (Trường Yên, Ninh Vân, Ninh Khang, Ninh Hòa, Ninh An). Tỷ lệ đô thị hóa đạt 81,30%.

Địa giới hành chính:

Đông giáp tỉnh Nam Định; Tây giáp tỉnh Hòa Bình; Nam giáp tỉnh Thanh Hóa và biển Đông; Bắc giáp tỉnh Hà Nam.

Nơi đặt trụ sở làm việc:

Thành uỷ thành phố Hoa Lư và các cơ quan khối Đảng, MTTQVN và các tổ chức chính trị – xã hội (khối Đảng) đặt tại trụ sở Thành uỷ, HĐND-UBND thành phố Ninh Bình hiện nay; HĐND, UBND, các phòng, ban chuyên môn (khối chính quyền) đặt tại trụ sở  Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện Hoa Lư hiện nay.

Các phường hình thành sau sắp xếp và thành lập mới

Phường Vân Giang

Phường Vân Giang có 2,96 km2 diện tích tự nhiên (đạt 53,82% so với tiêu chuẩn) và quy mô dân số có 33.949 người (đạt 484,99% so với tiêu chuẩn).

Địa giới hành chính phường Vân Giang: Đông giáp phường Bích Đào và tỉnh Nam Định; Tây giáp phường Tân Thành, phường Ninh Nhất; Nam giáp các phường: Ninh Tiến, Nam Thành, Nam Bình và Ninh Sơn; Bắc giáp phường Tân Thành và phường Đông Thành.

Nơi đặt trụ sở làm việc: Tại trụ sở của Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Ninh Bình cũ.

Phường Ninh Phúc

Phường Ninh Phúc có 6,30 km2 diện tích tự nhiên (đạt 114,55% so với tiêu chuẩn) và quy mô dân số có 11.153 người (đạt 159,33% so với tiêu chuẩn).

Địa giới hành chính phường Ninh Phúc: Đông giáp huyện Yên Khánh; Tây giáp phường Ninh Sơn; Nam giáp xã Ninh An và huyện Yên Khánh; Bắc giáp phường Bích Đào và tỉnh Nam Định.

Nơi đặt trụ sở làm việc: Tại trụ sở Đảng uỷ, HĐND, UBND xã Ninh Phúc hiện nay.

Phường Ninh Tiến

Phường Ninh Tiến có 5,18 km2 diện tích tự nhiên (đạt 94,18% so với tiêu chuẩn) và quy mô dân số có 7.463 người (đạt 106,61% so với tiêu chuẩn).

Địa giới hành chính phường Ninh Tiến: Đông giáp phường Nam Thành; Tây giáp phường Ninh Hải và phường Ninh Nhất; Nam giáp phường Ninh Phong và phường Ninh Hải; Bắc giáp phường Phúc Thành và phường Ninh Nhất.

Nơi đặt trụ sở làm việc: Tại trụ sở Đảng uỷ, HĐND, UBND xã Ninh Tiến hiện nay.

Phường Ninh Giang

Phường Ninh Giang có 6,47 km2 diện tích tự nhiên (đạt 117,64% so với tiêu chuẩn) và quy mô dân số có 8.045 người (đạt 114,93% so với tiêu chuẩn).

Địa giới hành chính phường Ninh Giang: Đông giáp xã Ninh Khang và tỉnh Nam Định; Tây giáp xã Trường Yên; Nam giáp phường Ninh Mỹ và xã Ninh Hòa; Bắc giáp huyện Gia Viễn và tỉnh Nam Định.

Nơi đặt trụ sở làm việc: Tại trụ sở Đảng uỷ, HĐND, UBND xã Ninh Giang hiện nay.

Phường Ninh Nhất

Phường Ninh Nhất có 17,01 km2 diện tích tự nhiên (đạt 309,27% so với tiêu chuẩn) và quy mô dân số có 12.082 người (đạt 172,60% so với tiêu chuẩn).

Địa giới hành chính phường Ninh Nhất: Đông giáp phường Ninh Khánh, phường Tân Thành và phường Vân Giang; Tây giáp phường Ninh Hải; Nam giáp các phường: Nam Thành, Ninh Tiến, Ninh Hải và xã Trường Yên; Bắc giáp phường Ninh Mỹ và xã Ninh Hòa.

Nơi đặt trụ sở làm việc: Tại trụ sở Đảng uỷ, HĐND, UBND xã Ninh Nhất hiện nay.

Phường Ninh Hải

Phường Ninh Hải có 26,13 km2 diện tích tự nhiên (đạt 475,09% so với tiêu chuẩn) và quy mô dân số có 11.981 người (đạt 171,16% so với tiêu chuẩn).

Địa giới hành chính phường Ninh Hải: Đông giáp phường Ninh Nhất; Tây giáp huyện Nho Quan, huyện Gia Viễn và thành phố Tam Điệp; Nam giáp xã Ninh Vân, xã Ninh An và phường Ninh Phong; Bắc giáp xã Trường Yên và phường Ninh Nhất.

Nơi đặt trụ sở làm việc: Tại trụ sở Đảng uỷ, HĐND, UBND xã Ninh Thắng hiện nay.

Phường Ninh Mỹ

Phường Ninh Mỹ có 6,25 km2 diện tích tự nhiên (đạt 113,64% so với tiêu chuẩn) và quy mô dân số có 12.144 người (đạt 173,48% so với tiêu chuẩn).

Địa giới hành chính phường Ninh Mỹ: Đông giáp xã Ninh Khang; Tây giáp xã Ninh Hòa; Nam giáp phường Ninh Nhất và phường Ninh Khánh; Bắc giáp phường Ninh Giang.

Nơi đặt trụ sở làm việc: Tại trụ sở Đảng uỷ, HĐND, UBND thị trấn Thiên Tôn hiện nay.

Nguồn: Dự thảo báo cáo tóm tắt Đề án: “Thành lập thành phố Hoa Lư, đồng thời sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và thành lập các phường trực thuộc”  (hoalu.ninhbinh.gov.vn)



guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments

Dịch vụ Đo đạc Địa chính Việt

Trụ sở: Phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

VPTS: Ninh Thắng, Hoa Lư, Ninh Bình

Hotline 1: 0962.511.561

Hotline 2: 0886.878.268